Người Thứ 3 tuần này xoay quanh câu chuyện của anh B (21 tuổi) và người thứ ba trong câu chuyện này, chính là người em trai cùng cha khác mẹ với anh B.
Hiện tại, anh B không còn sống chung cùng gia đình vì không hòa hợp. Sau khi cha mẹ ruột ly hôn, anh B về sống cùng ông bà nội. Khoảng một năm sau, cha anh B có vợ mới và anh quay về ở cùng. Trước khi em trai được sinh ra, anh B vẫn luôn được “mẹ kế” yêu thương, chăm sóc. Nhưng khi em trai vừa chào đời, anh B lúc đó 6 tuổi lại cảm thấy mình như người vô hình trong căn nhà đó. Anh nói gì, làm gì cũng bị la mắng, khiến anh rất buồn.
Anh B chia sẻ với tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A: “Cách đây ba năm, tôi bắt đầu ra ngoài đi làm thêm. Em trai tôi lúc đó vẫn được sống trong tình thương, sự đùm bọc của cha mẹ. Nhưng nó rất ham mê chơi game, khi chơi thì chửi thề, đập phá và gây nợ gần 40 triệu đồng. Lúc đó, em trai có tìm tới tôi và nhờ giúp đỡ, nhưng không nói rằng đã lấy cắp một số tiền lớn từ cha tôi. Sau đó, em trai đổ thừa rằng tôi là người lấy, vì vậy tôi đã bị cha đánh rất nhiều, bên cạnh đó mẹ cũng la mắng rất nặng lời”.
Một tuần sau, em trai gặp bên cho vay và bị đánh vì không đóng tiền lãi. Lúc này, em trai lại nhờ sự giúp đỡ từ anh B, nên anh đã nói dối cha xin tiền để đóng học phí. Nhưng cuối cùng chuyện cũng bị phát hiện và anh B tiếp tục bị đánh. Buộc phải nói ra sự thật nhưng vẫn không nhận lại được sự tin tưởng, anh B đã bỏ nhà đi. Sau đó, anh B nhận được sự giúp đỡ từ cha của một người bạn và hẹn gặp rất nhiều lần để gặp được cả cha ruột, em trai và chủ nợ của em trai. Khi đến nơi, cha ruột anh B mới biết được mọi chuyện và nói với anh B rằng: “Hãy về nhà với ba”. Anh B từ chối và vẫn quyết định ở riêng vì không cảm thấy tình thương của cha, mẹ kế và em trai.
Sau khi nghe xong câu chuyện, tiến sĩ Tô Nhi A đặt câu hỏi: “Từ năm 6 tuổi đến lúc em quyết định ra khỏi nhà, trong những năm tháng đó em có hay bị nghe mắng chửi, bị đòn hay không?”. Anh B đáp: “Lúc nhỏ, khi đi chơi thấy đồ chơi đẹp, tôi đòi mua thì cha cũng ngó lơ và không xem tôi là con”. Tiến sĩ Tô Nhi A tiếp tục hỏi: “Trong suốt quá trình em sống với cha thì em có gặp mẹ không?”. Anh B chia sẻ: “Gần như là tôi không gặp mẹ từ lúc cả hai người bỏ nhau tới tận bây giờ. Mẹ tôi ngoại tình”.
Tiến sĩ Tô Nhi A đưa ra nhận định: “Khoan hãy nói đến việc ai đúng, ai sai. Chị chỉ thấy sự thù hận trong lòng em đang quá lớn, nó lớn đến mức em cũng không buông tha cho chính mình. Nó cũng có thể giống như cái cách mà cha đã đối xử với em, là bởi vì cha quá chán ghét mẹ em. Những sự uất hận đó ông không cởi bỏ mà lại đem ra để trói buộc em. Để bây giờ em lặp lại điều đó rất giống với ba mình. Vậy em mong muốn điều gì khi kể câu chuyện này ở đây?”. Anh B đáp: “Mục đích tôi đến đây là trút hết nỗi niềm của mình. Tôi nghĩ rằng, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình là điều cần thiết. Khi tôi không nhận được tình yêu thương từ gia đình, tôi cảm thấy mình như người dưng nước lã”.
Tiến sĩ Tô Nhi A phân tích: “Chị không bào chữa cho ba em, nhưng chị cho rằng tình yêu thương mà ba dành cho em nhiều chứ không ít, nhưng ông không biết cách thể hiện. Nếu ông không thương em thì đã không lên tiếng đón em về ở cùng, nếu ông không quan tâm em thì sẽ không đi kiểm tra với thầy và ông cũng không có mặt để đối chất với chủ nợ. Ở phía sau sự hận thù của em, chị nhìn thấy em mong muốn được sống trong một gia đình, em khao khát được yêu thương. Em hãy giải phóng bản thân mình, tha thứ cho chính mình để đừng tự trói mình vào những uất hờn đó. Hãy làm tròn trách nhiệm của một đứa con, để mình cảm thấy vui vẻ, cởi mở. Khi mở cái nút này ra, không phải đơn giản chỉ để tha thứ cho ba, mà nó tạo cho mình một cuộc sống tích cực hơn”.
Người Thứ 3 được phát sóng định kỳ vào lúc 20h Thứ Ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.
Nguồn tin – Ảnh: Pr Jet Studio