TV Show

Câu Chuyện Cuộc Sống: Đừng để học vấn ảnh hưởng đến hôn nhân

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Đừng để học vấn ảnh hưởng đến hôn nhân, Có nên cho con luyện thi IELTS từ nhỏ?, Để cha mẹ và con trẻ gần nhau hơn.

Đừng để học vấn ảnh hưởng đến hôn nhân

Đối với nhiều người, một trong các yếu tố để tạo nên đời sống hôn nhân hạnh phúc là trình độ học vấn của hai vợ chồng không được quá chênh lệch. Bởi đó có thể là khởi nguồn của những mâu thuẫn khi có sự khác biệt lớn trong suy nghĩ, nhận thức và giải quyết những vấn đề trong quá trình chung sống. Tuy đó cũng là yếu tố quan trọng nhưng không mang tính quyết định, bởi vẫn còn nhiều yếu tố khác tác động đến cuộc sống hôn nhân và thực tế vẫn có nhiều cặp vợ chồng chung sống hạnh phúc khi không có trình độ học vấn tương đồng.

Chị B.H.H (TPHCM) thổ lộ: “Ban đầu không phải chồng tôi không biết vấn đề học vấn của tôi, nhưng mà anh ấy bảo là sẽ không để tâm. Sau này, khi chúng tôi kết hôn thì anh lại lấy vấn đề học vấn ra để phán xét tôi. Điều đó khiến tôi khá thất vọng. Tôi chỉ hi vọng, tương lai về sau chồng tôi sẽ không nói những lời nói như vậy, để cho cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi được hạnh phúc hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (Trưởng Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Khi vợ chồng có trình độ học vấn tương đồng với nhau thì họ dễ dàng cảm thông, chia sẻ và hiểu nhau hơn. Vì vậy, trình độ học vấn cũng quyết định khá nhiều hạnh phúc của vợ chồng. Tuy nhiên, điều này cũng không quyết định tất cả. Điều quan trọng nhất của một hạnh phúc vợ chồng là tôn trọng lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn người bạn đời có trình độ học vấn tốt hơn, thì chúng ta hãy là người hỗ trợ cho đối phương nâng cao trình độ học vấn thay vì sử dụng điều đó làm tiền đề cho những cuộc xung đột trong gia đình”.

Hôn nhân đòi hỏi sự dung hòa ở nhiều khía cạnh khác nhau. Để có một mối quan hệ hôn nhân bền vững, các cặp vợ chồng cần tập trung vào việc xây dựng giao tiếp hiệu quả, duy trì lòng tin và sự trung thực, nên chia sẻ, giải quyết mâu thuẫn bằng xây dựng, đồng thời, thể hiện tình yêu và sự chăm sóc hàng ngày. Ngoài ra, việc hỗ trợ cùng nhau phát triển cũng là một yếu tố quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ và tạo nên sự gắn bó lâu dài.

Có nên cho con luyện thi IELTS từ nhỏ?

Do được các trường đại học đưa vào làm tiêu chí xét tuyển từ năm 2017, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS ngày càng phổ biến và trở thành một trong những mục tiêu học tập quan trọng của học sinh. Cũng chính vì điều này đã khiến những bậc phụ huynh chạy đua cho con mình học IELTS từ khi còn nhỏ. Thậm chí là từ những năm tiểu học.

Em N.T.L (TP.HCM) thổ lộ: “Bố mẹ em rất muốn em học IELTS để dễ dàng hơn trong việc xét tuyển đại học. Nhưng hiện tại, việc học tiếng Anh cơ bản tại trường đối với em khá là khó khăn. Vì vậy, em nghĩ việc học IELTS đối với em rất vất vả và tốn nhiều thời gian”.

Thầy Nguyễn Văn Tuấn Anh (Giám đốc Học thuật Hệ thống Ngoại ngữ TAEC) chia sẻ: “Việc cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm là điều rất đáng khuyến khích. Vì đây là giai đoạn vàng để trẻ có thể phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc học và luyện thi IELTS khi trẻ còn nhỏ là hoàn toàn không phù hợp. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên tập trung vào việc giúp cho trẻ tiếp cận ngôn ngữ một cách tự nhiên và xây dựng khả năng tiếng Anh một cách toàn diện và đam mê. Khi trẻ sẵn sàng thì việc học và luyện thi IELTS sẽ rất là dễ dàng. Luyện thi IELTS là cả một quá trình nỗ lực. Việc bắt đầu cho trẻ luyện thi quá sớm sẽ không mang lại hiệu quả cao. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy xây dựng nền tảng tiếng Anh học thuật cho trẻ vững chắc ở giai đoạn học cấp hai. Để trẻ bắt đầu giai đoạn luyện thi IELTS ở những năm cấp ba, từ đó sẽ đạt được hiệu quả tốt”.

Không thể phủ nhận những lợi ích của chứng chỉ ngoại ngữ IELTS mang lại. Tuy nhiên, việc chọn đúng thời gian ôn luyện cũng như thi chứng chỉ tiếng Anh sẽ giúp phụ huynh tiết kiệm được chi phí, thời gian và đặc biệt là giảm áp lực lên trẻ.

Để cha mẹ và con trẻ gần nhau hơn

Gia đình là nơi chúng ta luôn tìm về, nơi giúp mỗi người cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm và chia sẻ. Tuy nhiên đôi khi trong gia đình, giữ cha mẹ và con trẻ lại xuất hiện những mâu thuẫn. Những mâu thuẫn nhỏ sẽ trở thành vết nứt lớn nếu không được hàn gắn kịp thời.

Em N.T.C (TP.HCM) thổ lộ: “Từ khi ba em hối thúc em phải học nhiều hơn thì em cảm thấy bị áp lực. Em chỉ muốn được ba lắng nghe và được nói ra những lời tâm sự của mình. Chứ không phải lúc nào cũng luôn bắt em học giỏi”.

Anh N.V.T (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi chỉ muốn tốt cho con tôi. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, phải tự lực học tập và cố gắng rất nhiều để có được như ngày hôm nay. Vì vậy tôi nghĩ rằng, con tôi phải chăm chỉ ngay từ bây giờ mới có thể cạnh tranh được với những người khác. Tôi luôn thúc ép con tôi phải cố gắng học tập để không bị tụt hậu lại phía sau”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Linh Trang (Chuyên gia tâm lý) khẳng định: “Để gắn kết gia đình thì chung ta nên có điểm chung. Mục tiêu của gia đình chúng ta như thế nào thì chúng ta nên chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết rõ sự mong muốn của mình trong gia đình là đạt được điều gì đó. Tiếp theo, nên tổ chức các hoạt động chung như các bữa cơm gai đình, sự kiện, hoạt động cuối tuần để gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Ngoài ra, chúng ta phải biết cảm thông, chia sẻ. Trong thời buổi gia đình khó có thể tiếp xúc trực tiếp thì chúng ta cần có sự kết nối giữa các thành viên thông qua các phương tiện hiện đại”.

Gia đình là nơi chúng ta luôn có thể tìm thấy sự yêu thương và ủng hộ. Vì thế, điều quan trọng nhất không phải là thành tích học tập hay những mục tiêu cao xa mà là sự yêu thương và đồng cảm của cha mẹ dành cho con cái. Đây chính là chìa khóa để cha mẹ và con trẻ có thể xích lại gần nhau hơn.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Nguồn tin – Ảnh: Pr Jet Studio

Back to top button