Tiêu điểmTV Show

Đạo diễn Lê Hoàng: “Chúng ta phải trân trọng văn hóa của chúng ta thì mới mong người khác trân trọng”

Khi tổ chức show Memory, ca sĩ Hồng Hạnh được một người bạn Nhật Bản hỗ trợ từ việc lên danh sách bài hát cho đến in giá tiền trên bìa. Điều này phản ánh tư duy trân trọng văn hóa của người Nhật khi không giảm giá những sản phẩm liên quan văn hóa.

Góp mặt trong chương trình Kính Đa Chiều, ca sĩ Hồng Hạnh và đạo diễn Lê Hoàng thảo luận về vấn đề “xuất khẩu” văn hóa Việt ra thị trường quốc tế. Với kinh nghiệm sống và hoạt động tại Nhật Bản cũng như lưu diễn khắp các nước Đông Nam Á lẫn châu Á, ca sĩ Hồng Hạnh có những chia sẻ về con đường đưa nhạc Việt đến gần với khán giả thế giới.

Mở đầu chương trình, ca sĩ Hồng Hạnh kể lại lần cô và ca sĩ Thái Hòa cùng thực hiện sản phẩm về nhạc Trịnh để tặng cho một người sếp ở công ty FPT. Dù hâm mộ danh ca Khánh Ly nhưng vị sếp này không thể cảm nhận được hết giá trị bài hát vì ca sĩ Hồng Hạnh và Thái Hòa hát song ngữ. Tuy nhiên sau khi vị sếp này mang sản phẩm của ca sĩ Hồng Hạnh và Thái Hòa sang Nhật thì các đồng nghiệp của ông lại thích thú và mong muốn được nghe nhiều hơn. Do đó, vị sếp này đã mời ca sĩ Hồng Hạnh sang Nhật biểu diễn sau đó.

Song, sau khi trình diễn, ca sĩ Hồng Hạnh bị khán giả người Nhật “bắt lỗi” rằng họ không hề biết Diễm xưa là tên của một cô gái. Vì vậy, ca sĩ Hồng Hạnh cho rằng phải cắt nghĩa nguồn gốc, thông tin bài hát hoặc tác phẩm để có thể tiếp cận đến nhiều người cũng như để “xuất khẩu” văn hóa, âm nhạc.

Theo ca sĩ Hồng Hạnh, để đưa văn hóa, âm nhạc Việt Nam ra thế giới, đầu tiên cần có tư duy chiến lược, trang bị kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa các quốc gia. Ngoài ra cần phải phát triển tài năng đa dạng, từ giọng hát cho đến vũ đạo, nhạc cụ, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ,… Thậm chí, ngoại hình và phong cách thời trang cũng là một yếu tố quan trọng.

Điểm chính yếu thứ hai chính là giai điệu bài hát. Ca sĩ Hồng Hạnh cho rằng nội dung ca khúc không cần quá dài mà chỉ cần bắt tai, làm người nghe dễ nhớ. Để làm được như vậy, nữ khách mời nhận định nhạc sĩ, ca sĩ Việt phải lắng nghe, nghiên cứu những ca khúc nước ngoài. Theo “người đàn bà xõa tóc hát tình ca”, hiện các nhạc sĩ Việt Nam nghe và tìm hiểu rất nhiều bài hát quốc tế và đã đến lúc văn hóa âm nhạc Việt nên được “xuất khẩu”.

Qua những chia sẻ của ca sĩ Hồng Hạnh, host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng kết luận để “xuất khẩu” văn hóa âm nhạc thì cần có chiến lược, không chỉ đơn giản là mang sản phẩm trong nước ra nước ngoài trình diễn. Bên cạnh đó, cần có sự nghiên cứu, hiểu biết về đối tượng muốn hướng đến.

Cuối cùng là phải hành động nhanh chóng và kiên trì, bắt đầu từ những thế hệ trẻ. Bởi hành trình “xuất khẩu” văn hóa, âm nhạc là một con đường dài, có thể không mang lại thành quả tức thì, nhưng thay vì chỉ nhìn về những giá trị trước mắt thì hãy nghĩ đến lợi ích lâu dài. Đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ: “Tất cả mọi thứ trên đời từ văn hóa đến kinh tế nếu không có tính vươn ra thế giới thì sẽ không phát triển mạnh được. Tại sao chúng ta đến tiệm băng đĩa nào ở Việt Nam thì bán đầy album nhạc nước ngoài nhưng ít khi bán nhạc Việt Nam? Điều đó chúng ta phải tự hỏi chứ”.

Trước trăn trở của đạo diễn Lê Hoàng, ca sĩ Hồng Hạnh kể lại câu chuyện về văn hóa không giảm giá ở Nhật Bản. Theo nữ ca sĩ, khi cô hợp tác với một người bạn Nhật Bản để tổ chức show Memory vào năm 2003 thì người này không chỉ hỗ trợ lên danh sách bài hát mà còn in hẳn giá tiền 2.800 yên lên bìa, đồng nghĩa không thể giảm giá. Ca sĩ Hồng Hạnh nhận định ở Nhật không có tư duy giảm giá sản phẩm văn hóa. Nếu như thực phẩm có thể giảm giá thì riêng sản phẩm văn hóa không bao giờ giảm giá.

Ngoài ra, ca sĩ Hồng Hạnh còn kể thêm câu chuyện về anh trai của chồng cô. Ông là một bác sĩ người Nhật, khi sang Việt Nam, ông bức xúc khi thấy những album nhạc Việt quý giá nhưng lại bán giá thấp. Ông phàn nàn với ca sĩ Hồng rằng không thể bán giá rẻ như vậy vì ông đánh giá văn hóa Việt Nam rất cao và có chất riêng. Ngoài âm nhạc, ca sĩ Hồng Hạnh cho biết sách cũng cùng “hoàn cảnh” như thế khi có người muốn được tặng sách thay vì bỏ tiền để mua.

Cuối chương trình, đạo diễn Lê Hoàng nhấn mạnh, để “xuất khẩu” văn hóa, ngoài chiến lược thì cần tôn trọng văn hóa của chính mình. Nam đạo diễn nhận định: “Chúng ta phải trân trọng văn hóa của chúng ta thì mới mong người khác trân trọng”.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Chuyện kiêng kỵ trong hậu trường sân khấu với sự tham gia của host Minh Đức và NSƯT Bạch Long sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 22/8 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

Nguồn tin – Ảnh: Pr Jet Studio

Back to top button